Thứ Năm, 06/02/2025 01:07
18254

CORTICOID VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG

Ngày 22-04-2022 Lượt xem: 196

Corticoid là nhóm thuốc được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Vì thuốc thường làm giảm nhanh các triệu chứng, lạm dụng corticoid là hiện tượng khá phổ biến. Nhiều bệnh nhân đã gặp phải những tác dụng phụ nặng nề do sử dụng không hợp lý nhóm thuốc này.

 

  1. Corticoid là gì?

     Corticoid hay còn gọi là Corticosteroid, Glucocorticosteroid (GC) có nguồn gốc tự nhiên (Hydrocortison và Cortison) là hormon được tiết ra ở vỏ thượng thận hoặc tổng hợp (Prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethason…) có vai trò quan trọng trong chuyển hóa muối, đường, mỡ, chất đạm, duy trì các chức năng sống của cơ thể.

 

  1. Thuốc Corticoid được sử dụng khi nào?

      Corticoid được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như:

  • Các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, lupus ban đỏ....). 
  • Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. 
  • Gout. 
  • Thay thế hormone tuyến thượng thận khi cơ thể không tự sản xuất đủ các hormone này.
  • Dự phòng thải ghép: Corticoid có thể được sử dụng cùng các thuốc khác để dự phòng hệ miễn dịch tấn công các cơ quan vừa được ghép (gan, thận,...). 
  • Các phản ứng dị ứng nặng: Dùng trong thời gian ngắn để làm giảm các phản ứng dị ứng nặng. 
  • Một số bệnh lý ngoài da: Eczema, vảy nến, phát ban, kích ứng nhẹ do côn trùng đốt,...

  1. Các tác dụng phụ của Corticoid là gì?

      Sử dụng Corticoid trong thời gian ngắn (1 – 2 tuần) thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể gặp khi sử dụng đợt ngắn gồm: Kích ứng dạ dày, tăng cảm giác ngon miệng, khó ngủ.
      Một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra nếu việc sử dụng thuốc kéo dài, gồm:

  • Loãng xương.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tăng huyết áp.
  • Tăng đường huyết.
  • Tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng.
  • Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, glocom.
  • Chậm lành vết thương, da teo mỏng, dễ bị bầm tím.
  • Chậm lớn ở trẻ em.
  • Hội chứng Cushing (hiện tượng mặt tròn như mặt trăng, da mỏng, rạn, dễ bầm tím, lắng đọng mỡ ở vùng cổ, bụng, lưng trong khi chân tay teo nhỏ).
  • Đặc biệt, suy thượng thận là một trong những biến chứng đáng ngại nhất khi ngưng đột ngột Corticoid sau một thời gian dài dùng thuốc dẫn đến tuyến thượng thận bị ức chế, teo tuyến thượng thận. 
  1. Nên sử dụng Corticoid như thế nào?

       Nên uống thuốc vào buổi sáng để hạn chế tác dụng phụ teo tuyến thượng thận.

       Nên uống thuốc ngay sau khi ăn hoặc uống trong bữa ăn để phòng bệnh viêm loét dạ dày.

       Không nên tự ngưng thuốc đột ngột khi chưa hỏi ý kiến Bác sĩ.

        Đối với những trường hợp sử dụng Corticoid kéo dài, cần phải giảm liều từ từ trước khi ngưng thuốc dưới sự theo dõi của Bác sĩ, vì nếu ngưng Corticoids đột ngột sau một thời gian dài sử dụng dễ có nguy cơ rơi vào Hội chứng cai Corticoid : mệt mỏi, lừ đừ, trầm cảm, đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, sụt cân, đến các triệu chứng nặng hơn của suy thượng thận cấp: hạ đường huyết, hạ huyết áp, shock, tăng kali máu.

  1.  Phòng ngừa và phát hiện sớm tác dụng phụ:

       Chế độ ăn giảm muối, giảm béo, giàu kali và canxi, tăng đạm, tăng cường vận động, tránh tăng cân béo phì.

     Tránh hút thuốc lá và hạn chế rượu bia, cafe.

      Theo dõi huyết áp, đường huyết thường xuyên vào mỗi lần thăm khám phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp, tăng đường huyết do Corticoids.

      Đo mật độ xương mỗi 6-12 tháng. Bổ sung calcium và vitamin D hàng ngày phòng ngừa loãng xương.

     Kiểm tra mắt định kỳ mỗi 6-12 tháng để phát hiện sớm biến chứng đục thủy tinh thể.

     Không nên dùng chung Corticoids với các thuốc kháng viêm giảm đau khác như Ibuprofen vì có thể làm gia tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng.

     Sử dụng antihistamin H2, ức chế bơm Proton phòng ngừa loét dạ dày.

      Corticoids có thể gây rối loạn tâm thần, do đó cần thông báo cho bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu thay đổi hành vi, trí nhớ, trầm cảm..

      Corticoids có tác dụng gây giữ muối và nước do đó cần thông báo cho bác sĩ khi có dấu hiệu bị phù.

      Đối với trẻ em khi phải sử dụng Corticoids kéo dài cần tăng cường chế độ dinh dưỡng giàu đạm, giàu canxi, khuyến khích vận động, đo chiều cao thường xuyên để phát hiện sớm trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao khi dùng Corticoids kéo dài.

  Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này, đừng ngần ngại gọi cho Phòng khám theo số HOTLINE để được tư vấn miễn phí, chính xác. Để đặt lịch khám tại phòng khám, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp Website phòng khám để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên website. Trân trọng.